top of page
Kiên cường là-01.jpg

Chúng tôi gặp chú Lắng vào những ngày cuối năm 2020, khi Hạnh Phúc Xanh đi khảo sát địa bàn trồng rừng tại Ninh Thuận. Chú là cán bộ kỹ thuật của BQL rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam. Ngay ngày đầu tiên, chú Lắng đã bảo chúng tôi rằng: 

“Con đi tìm nơi trồng rừng thật,

người trồng rừng thật

thì con tới đúng nơi rồi đó.”

Cuối tháng 9/2021, mùa mưa ở Ninh Thuận đến sớm. Chúng tôi khởi động trồng những cây thanh thất đầu tiên. Xe chở cây từ vườn ươm tập kết ở chân núi. Anh Thành - cán bộ của vườn ươm đi cùng, xem từng cây dỡ xuống, loại bỏ những cây dở. Từ chân núi, người dân gùi cây lên nơi trồng. Đường đi toàn đá, dốc đứng, nếu nêm cây chặt quá, cây lèn lên nhau là vỡ bầu. Chỉ được để 8 cây mỗi gùi, anh Thành đếm từng gùi.

Mỗi ngày, người dân gùi 8 lượt lên xuống. Anh Thành cũng theo như thế để giám sát đến khi bầu cây được đặt chuẩn vào hố và lấp đất. Anh dặn chúng tôi “trồng rừng ở đâu cũng phải chọn giống và giữ bầu ươm thật tốt, tỉ lệ cây sống sẽ cao hơn”.

Mỗi ngày cô chú người Chăm và Raglai gùi cây 8 lượt,

leo lên núi cao tương đương

tòa nhà 150 tầng.

Mỗi lượt cô chú gùi 8 cây, nặng hơn 20kg, tương đương cân nặng của một đứa trẻ 6 tuổi.

Trong những ngày trồng rừng, chúng tôi để ý người gùi cây toàn thanh niên hoặc phụ nữ, còn người trồng lại rất già. Chúng tôi hỏi chú Lắng, chú bảo thanh niên có sức cho vác, cho trèo, nhưng người trẻ thì thường hấp tấp, vội vàng, chỉ muốn làm lẹ nên không phù hợp cuốc, trồng. Vì cuốc, trồng cần sự tỉ mỉ, đào hố đúng cỡ, xé bao bầu nhẹ nhàng, đặt cây xuống cẩn thận. Chỉ có người già, nhiều năm kinh nghiệm mới từ tốn trồng từng cây, từng cây như thế. “Bọn chú không cần nhanh, cần vội, chú cần họ làm chắc, trồng tới đâu, cây xanh tốt tới đó.”

cây thanh thất
 41,000 
 
Tỉ lệ sống đến tháng 12/2021: 
  97,95% 
bám bãi-32.jpg

25/5/2021, biết tin Sài Gòn chuẩn bị giãn cách theo chỉ thị 16, em dọn hành lý để chuyển hẳn xuống Sóc Trăng. Trước khi đi, em nhận điện thoại của bác chủ trọ: “Sài Gòn xuống thì không cho dô ở đâu”. Gấp quá, em đành phải liên hệ với bà chủ nhà khách quen để tìm chỗ trọ khác. Vô ở lúc tối khuya nên phòng chả có gì.

Đầu tháng 7, Sóc Trăng bắt đầu giãn cách, ai ở đâu thì ở yên chỗ đó. Lần đầu em tự nấu ăn. Không rành đi chợ nên em mua tận mấy ký rau về, nấu không kịp hư hết. Đợt đó chỉ có trứng vịt muối với rau luộc, không mấy ai bán thịt. Dịch nên gì cũng thiếu, thiếu thốn nhất là thiếu tình thương. Nhớ nhà, nhớ anh em dự án! 

Cách bãi trồng rừng có 8 cây số mà không xuống được, ngày nào em cũng gọi hỏi tình hình cây mấm từ chú Túp, chú Nạng bên tổ chăm sóc và bảo vệ rừng: “có dòng nước chảy qua bãi làm ngã chết mấy cây”, “bão số 5, số 7, số 8 vào, gió to lắm, bãi lún hết trơn, cây ngã dữ lắm”. Nghe các chú báo qua điện thoại mà không ra được, em đứng ngồi không yên. “Mình biết làm gì giờ!” Em chỉ biết cố gắng hướng dẫn, động viên các chú khắc phục nhanh cứu mấm.

Bắc Ngô - cán bộ địa bàn của Hạnh Phúc Xanh

tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng

“ dịch nên gì cũng thiếu, thiếu thốn nhất là thiếu tình thương.

nhớ nhà, nhớ anh em dự án!  ”

Bắc cười.png

Hết giãn cách một thời gian lại giãn cách nên tháng 10 em chuyển xuống ở luôn cùng chú Nạng cạnh bìa rừng. Từ tháng 11 đến tháng 2 là mùa gió chướng. Mùa này thương mấm lắm, biển động, gió mạnh, bùn lỏng vào bãi, mấm ngã suốt. Em và các chú cố bám bãi, gặp cây nào ngã, cứu cây đấy. Mấm mình thương mình chăm kỹ lắm.

Chuyện hồi dịch căng có vậy, em không có khó khăn gì để kể đâu. Giờ ở nhà chú Nạng, chú coi em giống em trai trong nhà. Chỉ đôi lúc em thèm gặp anh em dự án ở Sài Gòn thôi.

“ mấm mình thương

mình chăm kỹ lắm ”

hình-28.png
hình-29.png
3 mấm-26.png

(Chú Nạng – Tổ phó tổ trồng và bảo vệ rừng tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng)

Nhà chú Nạng cách bãi trồng khoảng 30 phút đi bộ khi trời nắng, hơn 1 tiếng nếu mưa to. Bình thường, cứ cách 2 ngày chú đi kiểm tra cây một lần. Nhưng mấy hôm nay, ngày nào chú cũng ra thăm nom rừng. Những ngày này, Vĩnh Châu vào mùa bão và gió chướng, mưa xối xả, gió mạnh đến mức thổi tốc mái của mấy nhà dân cạnh bìa rừng.

 

Cách đây vài tuần, 8 giờ sáng, chú Nạng gọi điện cho Bắc: “Đứt dây nhiều lắm Bắc ôi, nó lún quá trời luôn, chỗ hàng rào phía cuối”. Lúc đó, tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, cán bộ địa bàn không thể xuống bãi trồng vì giãn cách. Chú Nạng cố gắng tả lại vị trí và tình trạng cây bị ảnh hưởng. Mất vài phút để Bắc nắm rõ tình hình và trao đổi cách khắc phục nhằm duy trì tỉ lệ sống

cao nhất cho cây non. 

 

Để dễ bề liên hệ với chú, Hạnh Phúc Xanh đã giao cho chú một chiếc điện thoại cảm ứng. Nếu mấy nữa dịch bệnh bùng phát mà cán bộ dự án không thể sang thăm được rừng trồng, chú Nạng sẽ qua chụp ảnh, hay chat video, để gọi về cho Bắc và các cán bộ dự án. 

 

Chưa dùng điện thoại cảm ứng bao giờ, chú Nạng phải mất một hồi để làm quen. “Anh thích đi dô bãi chăm sóc rừng, xem cây ngả, cây chốc, cây lún. Từ giờ có (cái điện thoại) cảm ứng, gặp vấn đề gì anh chụp hình cho Bắc coi.”

Gửi xong hình vừa chụp qua Zalo của Bắc, chú Nạng cất điện thoại vào túi rồi ngồi xuống buộc lại dây cho các cây mấm bị gió thổi ngã.

Từ giờ có cảm ứng, gặp vấn đề gì

anh chụp hình cho Bắc coi.

Image by Kiwihug
Nhờ 231 ảnh chú Nạng gửi, hàng ngàn cây mấm đã được chăm sóc kịp thời trước ảnh hưởng của bão số 5, số 7, số 8 và mùa gió chướng
nền cây mắm-27.jpg
cây mắm 209-33_edited.png

Cây mấm số 209 có tọa độ 9.31474828N - 106.06438647E. Số 209 là một trong 37.400 cây mấm được trồng vào tháng 6 năm 2021 của dự án “Trồng rừng vững đất” tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Nó được đánh số vì nằm trong 500 anh em nhà mấm thử nghiệm phun xịt chế phẩm sinh học - các sản phẩm kích thích sự ra rễ, bám đất và đâm chồi của cây con.

  • 13/6/2021: Cây được trồng, đánh số từ 1 – 500 và dựng cọc chống.

  • 12/10/2021: Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 7, các cây ngã đổ rạp xuống mặt bãi. Theo số liệu trạm quan trắc thu được, tốc độ gió lên đến gần 90km/h, gió giật cấp 9, cấp 10. Thời điểm chăm sóc khắc phục, chúng tôi phải đồng loạt ngồi sát xuống mặt bãi nhằm giảm bề mặt tác động của gió. Các chú chăm sóc rừng cũng khiếp sợ trước cơn gió. Có cây mấm 209 đứng vững.

  • 16/10/2021: Cụ 209 tiếp tục vượt qua cơn bão số 8. Chúng tôi quyết định mạo hiểm không chống cọc gia cố nữa để đánh giá sức chống chịu của cụ.

Dù mới 5 tháng tuổi từ thời điểm trồng nhưng mấm số 209 thường được cán bộ địa bàn và các chú trồng rừng gọi là “cụ”. Tại sao lại là “cụ”? Đây là một số ghi chép về 209 trong nhật ký thử nghiệm của Bắc - cán bộ địa bàn của Hạnh phúc xanh tại Sóc Trăng:

  • 14/11/2021: Bắt đầu vào mùa gió chướng, gió Đông Bắc gây mưa dông, gió cấp 7 – 9, mặt biển động dữ dội. Nhiều cây nằm la liệt. Sóng biển ập liên tục khiến 209 bị tróc rễ nhưng cụ vẫn vững vàng.

Điều đáng nói là 209 nằm sát phía ngoài gần với tường mềm chắn sóng, nơi bị những cơn sóng ập vào vỗ mặt đầu tiên. Anh em trồng rừng, trộm vía, gọi cụ là:

  VUA LÌ ĐÒN  

37,400 cây mấm trắng kiên cường lấn biển

Anh Minh, cán bộ dự án tại Công viên Hạnh Phúc Xanh Cửa Đại     

Anh là cán bộ cộng đồng tại Công viên Hạnh Phúc Xanh Cửa Đại. Gọi vậy cho ngầu chứ nôm na là người chuyên lê la quán xá chém gió với các cô, các chú trong phố, chiều chiều ra sân chơi với tụi nhỏ.

Xây công viên 2 tháng là xong, nhưng xây cộng đồng thì cần ít nhất 2 năm. Bọn anh đặt mục tiêu cuối 2022 chuyển giao toàn bộ việc vận hành công viên Cửa Đại cho người dân ở đây tự vận hành, tự tổ chức hoạt động. Việc này khó chứ, dự án cộng đồng nào cũng ao ước giải được bài toán này.

Hồi đầu mới làm anh lo lắm. Bà con không quan tâm. Dự án triển khai đúng thời điểm dịch bùng, ý định tổ chức các hoạt động cộng đồng đi tong. Nhưng anh không nản, làm cộng đồng mà bỏ cuộc sớm thì thất nghiệp. Anh vừa sửa công viên, vừa lân la làm quen, kể về dự án cho bà con. Dần thấu hiểu công viên là của người Cửa Đại, là món quà được gom góp từ người dân trên cả nước, bà con xắn tay áo vào giúp ngay. Kể ra biến chuyển của bà con thì nhiều lắm, toàn chuyện nhỏ nhưng anh quý vô cùng.

“XÂY CÔNG VIÊN TRONG 2 THÁNG LÀ XONG,

NHƯNG XÂY CỘNG ĐỒNG THÌ CẦN ÍT NHẤT 2 NĂM

Cv1_edited.jpg

Như vợ chồng anh Lên bán nước trước công viên, thời gian đầu chỉ chắp tay sau lưng ngó, lâu sau bắt đầu hỏi chuyện, rồi lúc mang cho anh em xô nước mát, lúc phụ tay trồng cỏ, giờ đã cho con tham gia lớp học cộng đồng của công viên.

Anh Phương, giám sát thi công thấy ngân sách làm công viên hạn hẹp, đề xuất anh lo nhân công, anh ấy hướng dẫn kỹ thuật. Trong vòng 2 tuần, cứ 5h30 sáng, anh ấy đều ra đánh cỏ cùng mấy bạn dân quân và tình nguyện viên. Trời mưa to sạt bờ kè, anh ấy lo sốt vó ới anh đi đắp đất lại.

hình ảnh-65.jpg

Chị Lệ, một người bạn ở Hội An, mở lớp dạy vẽ cộng đồng ziczak vào mỗi cuối tuần tại công viên cho tụi nhỏ.

 

Chị Nguyên bên Đoàn thanh niên tích cực đóng góp ý tưởng hoạt động cộng đồng, cô Phượng từ hội phụ nữ cũng năng nổ kêu gọi các cô, các bà tham gia vệ sinh công viên. 

Chú Thu, khối trưởng khối Phước Hải, Cửa Đại có lần sau họp tổ cộng đồng vỗ vai anh bảo: “Có việc gì cứ đến tìm chú!”

 

Anh chỉ mong thế, khi cộng đồng xem công viên này là của họ, họ tự săn sóc, tự vun bồi thì công viên sẽ “sống” trong cộng đồng. 

cv 3
nền cuối mb-32.jpg

ôi nhớ những ánh mắt buồn, những giọt nước mắt của mình và đồng đội khi chạm tay vào cây bần chua đang chết đứng ngoài biển vì bị hà bám kín. Năm 2019 ấy hạn mặn đỉnh điểm, con hà tấn công vào rừng. 

Tôi nhớ cảm giác rối bời, bất lực khi quyết định làm hay không làm vào đầu năm 2020 khi dịch Covid bắt đầu xảy ra. Thời điểm ấy thật khó để biết mình nên làm gì.

Tôi nhớ mùa mưa năm nay ở Quảng Nam, mưa dầm dề, mưa dai dẳng, mưa xói đất xói cát, công viên Hạnh Phúc Xanh Cửa Đại ngập trong nước. Trời mưa gió không ngơi nhưng anh em đội mưa ra xem, lòng bồn chồn không yên.

Tôi nhớ khoảng lặng như tờ của anh em mấy ngày trước khi hay tin bùn kéo vào bãi trồng lấp hết rễ thở của rừng mấm con. Nếu bùn không kéo ra theo con nước trong mấy ngày thì rừng sẽ chết. Đêm chẳng tài nào ngủ được.

….

Nhiều khi anh em chúng tôi ngồi nói vui với nhau, Hạnh Phúc Xanh tụi mình như cây mấm con ngoài bãi, mới tí tuổi đầu mà đã đón gió táp, mưa xối, sóng đánh, bùn lấp, độ mặn tăng, hà bám… cứ như ở chiến trường, đau thương đủ cả. Nhưng cây mấm con kia vẫn lì đòn, vẫn kiên cường, đến nay may nhiều người thương, may trời thương vẫn còn bám chặt đất, vươn mình.

Chúng tôi nghĩ Hạnh Phúc Xanh mình may mắn. May mắn vì sớm được trải qua thách thức, khó khăn như vậy trong những năm đầu theo đuổi mục tiêu trồng cây, phục hồi rừng. Để từ đó, chúng tôi biết mình thiếu ở đâu, cần hoàn thiện thêm những gì, từng bước thận trọng, khiêm tốn, nỗ lực trên hành trình đầy khó khăn nhưng cũng tràn ngập hạnh phúc. 

Nếu như cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ thì việc trồng một cái cây, gầy một cánh rừng cũng vậy, cần cả một cộng đồng chung tay. Cộng đồng là bà con bản địa, là cơ quan lâm nghiệp địa phương, là những mạnh thường quân, là các doanh nghiệp đối tác, là người yêu rừng, là anh em dự án và là BẠN. Sự đồng hành của bạn đã giúp Hạnh Phúc Xanh kiên cường vượt qua những thách thức của đại dịch và thiên tai trong những năm qua để từng bước vững vàng trồng nên gần 80,000 cây tại Hội An, Ninh Thuận, Sóc Trăng.

 

Cảm ơn bạn - người đồng hành đáng quý.

Và, cảm ơn mẹ thiên nhiên, vì đã trao tặng những bài học sâu sắc và luôn là nơi mỗi chúng ta đều có thể nương tựa vào. 

Thu Lành - Quản lý chương trình Hạnh Phúc Xanh

T

Cảm ơn mẹ thiên nhiên, vì luôn là nơi mỗi chúng ta đều nương tựa vào.

Cảm ơn bạn, người đồng hành đáng quý

HẠNH PHÚC XANH

CÂU CHUYỆN KIÊN CƯỜNG

NT3.jpg

Trồng cây cùng Hạnh Phúc Xanh ngay từ hôm nay!

Trung bình mỗi ngày Hạnh Phúc Xanh trồng được 200 cây. Với sự tham gia của bạn

tốc độ này có thể tăng lên đến 500 cây/ngày để chạm mốc 1 triệu cây vào năm 2030.

Mỗi đóng góp của bạn sẽ cùng Hạnh Phúc Xanh phục hồi những cánh rừng xanh bảo vệ chúng ta và con cháu trước bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… trong tương lai. 

MỌI ĐÓNG GÓP XIN GỬI VỀ

Số tài khoản: 0541000323368
QUY HO TRO PT CONG DONG SONG BEN VUNG
Ngân hàng: Vietcombank – Chi nhánh Chương Dương (Hà Nội)
*Ghi chú chuyển khoản: “HPX - Số điện thoại - Họ tên”

C-5.png
bottom of page